6 trải nghiệm nên thử khi tới hành hương ở Yên Tử
Ngoài chinh phục đỉnh Chùa Đồng, ghé thăm Làng Nương, làm nón lá và in tranh Đông Hồ là những trải nghiệm thú vị du khách không nên bỏ lỡ khi tới hành hương, du lịch ở Yên Tử


Non thiêng Yên Tử vốn nổi tiếng từ xa xưa đến nay bởi tính lịch sử, linh thiêng nơi cõi Phật. Núi Yên Tử cao 1.068m so với mực nước biển trong dãy núi Đông Triều, vùng Đông Bắc Việt Nam, nằm ở ranh giới hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. Núi Yên Tử là một dải núi cao nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam với hệ thống động thực vật phong phú và đa dạng đã được nhà nước công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên.
Yên Tử trở thành trung tâm của Phật Giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ Yên Tử trở thành trung tâm Phật Giáo của ngai vàng khoác áo cà sa tu hành để tìm dến sự thanh tịnh sau khi truyền ngôi và thành lập một dòng Phật giáo gọi là dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Yên Tử là điểm đến nổi tiếng với núi rừng hùng vĩ và những giá trị văn hóa, tâm linh. Nơi đây đông đúc nhất vào 3 tháng đầu năm. Leo núi Yên Tử vào các tháng còn lại, bạn có thể thư thả tận hưởng không gian trầm lắng, trong lành của thiên nhiên.
Chinh phục đỉnh thiêng Yên Tử
Chinh phục đỉnh thiêng, tới chiêm bái Chùa Đồng là hoạt động đầu tiên trong chuỗi những trải nghiệm ở Yên Tử. Du khách có thể đi bộ chinh phục đỉnh thiêng từ suối Giải Oan với cây cầu đá xanh cổ. Dọc theo những bậc thang đá quanh co, bạn sẽ lần lượt tới vườn tháp Huệ Quang, chùa Một mái (ảnh), chùa Hoa Yên, đá An Kỳ Sinh và cuối cùng là chùa Đồng trên đỉnh mây phủ. Ngoài đường bộ, du khách có thể di chuyển bằng 2 chặng cáp treo. Ga cuối cùng của cáp cách đỉnh chùa Đồng khoảng 700 m đường núi.


Ghé thăm Làng Nương Yên Tử
Nằm dưới chân núi, dọc theo dòng suối tự nhiên là Làng Nương Yên Tử, nơi tái hiện ngôi làng cổ Bắc bộ với nhà đá ong, tường đất và con đường gạch nung. Tương truyền, khi vua Trần Nhân Tông về Yên Tử năm 1299, ngài không cho các cung phi, thị hầu và bà mụ đi theo. Vì vậy, nhiều người ở lại chân núi, sinh sống và lập ra Làng Nương, Làng Mụ.


Trải nghiệm làm nón lá
Tại Làng Nương, du khách có thể trải nghiệm nghề làm nón lá truyền thống dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Ông Lương, người làm nón 20 năm, cho biết: “Không chỉ là một nghề, nón còn lưu giữ nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Vì vậy, chúng ta nên tìm hiểu, gìn giữ và phát huy”.


Làm giấy dó, in tranh Đông Hồ
Ngoài làm nón, Làng Nương còn có nhiều khu trải nghiệm khác như vẽ chuồn chuồn gỗ và in tranh Đông Hồ. Tại khu tranh, du khách được nghe giới thiệu về những công đoạn in, sáng tạo bản khắc gỗ, làm giấy Dó và màu sắc sử dụng.
Thông thường, tranh Đông Hồ có 5 màu chủ đạo làm từ nguyên liệu tự nhiên như đỏ gạch non, xanh lá tràm, đen than tre, trắng sò điệp và vàng hoa hòe. Tương ứng với đó là 5 bản khắc gỗ, in thành 5 lần khác nhau. Mỗi màu cần hơn một tiếng để khô, không để dưới nắng. Sau khi nghe giới thiệu, du khách có thể trải nghiệm in màu lên giấy Dó và phơi khô để mang về.


Chế tác tinh dầu
Phía sau của khu làm tranh là nơi trải nghiệm chế tác tinh dầu. Ngoài các mùi hương yêu thích, du khách có thể làm tinh dầu theo công thức nhằm giảm đau đầu, căng thẳng, ngủ ngon. Sau khi hoàn thiện, tinh dầu được chiết vào lọ lăn để sử dụng cho mục đích mát xa thư giãn.


Thưởng thức biểu diễn nghệ thuật
Ở Làng Nương có 3 nhà hàng ẩm thực, phục vụ món chay, món quê Việt và một số đặc sản của Yên Tử như nước mơ, măng rừng và lá lốt. Vào buổi tối, nơi đây biểu diễn nghệ thuật Đêm hội làng với các tiết mục múa trống, hòa tấu bằng nhạc cụ dân gian. Sau khi thưởng thức Đêm hội, du khách có thể dừng chân tại đình để thư giãn với liệu pháp mát xa chân bằng thuốc lá.

